Ảnh: Drew Litowitz

CONCERT ONLINE: TƯƠNG LAI CỦA NGÀNH GIẢI TRÍ TOÀN CẦU?

Quỳnh Thơ
13 min readDec 30, 2020

--

Nền công nghiệp âm nhạc trên toàn thế giới đang bị gián đoạn, nhưng âm nhạc không vì thế mà ngừng vang lên. Ngay cả khi thế giới trải qua những thời khắc u ám nhất, âm nhạc vẫn chưa bao giờ đứt đoạn.

Có rất nhiều hình thức để đưa âm nhạc đến với công chúng trong thời kỳ đại dịch. Một trong số đó là xu hướng “nhà hát online” — một giải pháp hữu hiệu để kết nối âm nhạc với khán giả toàn cầu. Liệu rằng đây có phải là hướng đi tương lai của nền giải trí?

Nền công nghiệp lỗi hẹn vì COVID-19

Năm 2020, ở khắp nơi trên thế giới, hàng loạt sự kiện giải trí lần lượt bị hủy hoặc dời lịch. Hai lễ trao giải âm nhạc Billboard Music Awards và iHeartRadio Music Award đều bị hoãn. Lễ hội âm nhạc được mong chờ Coachella dự kiến bắt đầu ngày 10/4 với sự tham gia biểu diễn của Calvin Harris, Travis Scott, Lana Del Rey, nhóm nhạc BIGBANG và hơn 150 nghệ sĩ khác. Tuy nhiên, khi mỗi ngày trôi qua nước Mỹ vẫn đón nhận thêm hàng chục nghìn ca nhiễm COVID-19 mới, Coachella đã được ấn định sẽ không được tổ chức cho đến năm 2021.

Là một nền công nghiệp giải trí đang lên, tình hình K-pop khá đáng lo ngại. Rất nhiều công ty giải trí quy mô nhỏ với các nhóm nhạc tân binh đang trong tình cảnh lao đao. Doanh thu chủ yếu của các công ty này đến từ hoạt động biểu diễn trực tiếp, gặp gỡ với khán giả và củng cố cộng đồng người hâm mộ ngay từ thời kì đầu ra mắt. COVID-19 buộc hầu hết các hoạt động này dừng lại vô thời hạn, khiến các nhóm nhạc bỏ lỡ thời điểm vàng để quảng bá. Ngay cả với các nhóm nhạc “đẻ trứng vàng” như BTS, việc sụt giảm doanh thu của công ty chủ quản là hoàn toàn có thể nhìn thấy trước.

Tại Nhật Bản, các buổi hòa nhạc bắt đầu bị hủy bỏ kể từ ngày 26/2 cùng với lệnh giãn cách xã hội của Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Hiromichi Hayashi (chủ tịch tập đoàn Truyền thông Quốc tế Hayashi) cho biết: “Tính đến cuối tháng 5, với 220 chương trình không được diễn ra theo dự định, chúng tôi đã thiệt hại đến 39 triệu USD.”

Đó chỉ là một số ít trong vô vàn xáo trộn lớn mà đại dịch COVID-19 đem lại cho làng giải trí toàn cầu. Khi có một mối nguy cận kề đang đe dọa đến tính mạng, các hoạt động giải trí ngay lập tức đánh mất tâm điểm hào quang.

Tuy nhiên, một số nghệ sĩ cũng đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo đặc biệt, vừa cho phép khán giả nhìn thấy nghệ sĩ “bằng xương bằng thịt”, mà vẫn tuân thủ lệnh giãn cách và đảm bảo an toàn cho người xem.

Thay vì vỗ tay, khán giả sẽ… nháy đèn pha ô tô — một sáng tạo đặc biệt trong ngành biểu diễn của Mads Langer khi dịch bệnh hoành hành trên toàn cầu. Ảnh: qua VTV

Ngày 24/4, ca sĩ người Đan Mạch Mads Langer đã có một buổi biểu diễn ngoài trời đặc biệt trước 2.000 khán giả ngồi trong… ô tô. Ngoài ra, Mads Langer còn livestream chương trình qua ứng dụng Zoom.

Nam ca sĩ có 15 năm hoạt động nghệ thuật chia sẻ cảm giác biểu diễn trước “4x500 khán giả” rất khác với việc biểu diễn trước 2.000 khán giả. “Thật ra ban đầu tôi cảm thấy hơi kỳ một chút, nhưng sau đó thì rất thích thú”, Mads Langer chia sẻ.

Thời của livestream

Sáng tạo của Mads Langer tạo cơ hội cho 500 khán giả thưởng thức âm nhạc. Nhưng một số nghệ sĩ khác mong đợi được tiếp cận một cộng đồng rộng lớn hơn thông qua việc sử dụng hình thức livestream — một xu hướng “quen mà lạ” của âm nhạc hiện đại. Công nghệ này cho phép hàng triệu người có thể “tham gia” một buổi trình diễn âm nhạc mà không cần phải đến tận nơi.

Người hâm mộ vẫn có thể thể hiện tình cảm đối với thần tượng thông qua các thiết bị livestream. Ảnh: Beyond the SUPER SHOW

Một trong những ưu thế hàng đầu của livestream là tiện lợi. Chỉ với một chiếc máy tính hay điện thoại di động, đường truyền Internet ổn định và vài cú click chuột đăng ký thành viên là fan hâm mộ có thể dễ dàng thưởng thức buổi biểu diễn của thần tượng giống như những người bỏ tiền vé đi xem. Đây là công cụ có thể đưa hình ảnh trực tiếp đến cho người xem thay vì phải ngồi đợi quay hình, thu băng biên tập rồi mới phát sóng trên TV hay qua băng đĩa.

Độ phổ biến của việc xem concert trực tuyến này xuất phát từ hội chứng có tên gọi là FOMO (có nghĩa là “sợ bỏ lỡ”). Ở các nước phương Tây, bên cạnh việc dùng livestream kết hợp với concert các ca sĩ nổi tiếng, người ta cũng tận dụng công cụ này để quảng bá lễ hội âm nhạc lớn được tổ chức hàng năm. Bà Martina Wang — Giám đốc phụ trách âm nhạc và giải trí Eventbrite cho biết: “Lễ hội âm nhạc là một trong những loại hình giải trí ưa chuộng của các thanh thiếu niên Mỹ trong dịp hè, nhưng không phải em nào cũng có thể tham gia. Việc truyền hình trực tiếp qua một trang mạng chia sẻ video sẽ làm thỏa mãn nhu cầu của thành viên đăng kí theo dõi trang web đó”.

Không chỉ đối với người xem, việc phát miễn phí liveshow đối với bản thân ca sĩ lại là một lợi thế. Biểu diễn âm nhạc trực tuyến cho phép ca sĩ thần tượng có cơ hội tương tác nhiều hơn với người hâm mộ, đo độ phản ứng của khán giả qua những lời bình luận xuất hiện ngay bên cạnh khung xem video, cũng như tiếp cận đến lượng khán giả lớn hơn nhiều so với người thực sự có mặt ở sân khấu trực tiếp.

Mới đây, Tổ chức kỷ lục Guiness thế giới (Guinness World Records) chính thức xác nhận nhóm nhạc Hàn Quốc BTS đã đạt được danh hiệu kỉ lục mới với buổi concert online Bang Bang Con: The Live được tổ chức vào giữa tháng 6 vừa qua. Theo đó, Bang Bang Con: The Live là buổi hòa nhạc trực tuyến có nhiều người xem nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại: 756.000 lượt xem từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Số lượng người xem này tương đương với 15 đêm nhạc trực tiếp ở sân vận động có sức chứa 50.000 người. Jung Hoyoon đến từ công ty Đầu tư và Chứng khoán Hàn Quốc cho biết: “BTS đã vượt qua Super Junior (120.000 người) và TWICE (100.000 người) — là hai nhóm nhạc tổ chức concert online vào khoảng cùng kỳ năm nay”.

Bang Bang Con: The Live thu hút 756.000 lượt xem từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Ảnh: Yonhap

Những sân khấu trực tiếp không khán giả

Để tìm hướng đi mới cho âm nhạc trong thời kỳ thế giới ảm đạm, sáng kiến biểu diễn nghệ thuật không khán giả đã ra đời để lôi kéo sự quan tâm của công chúng. Xu hướng “nhà hát online” đang dần trở thành một thói quen mới với khán giả yêu nhạc mùa đại dịch, nhằm giúp người hâm mộ gần gũi với thần tượng của mình hơn cũng như có trải nghiệm chân thực cùng lúc một buổi biểu diễn đang diễn ra.

DJ D-Nice là điển hình cho câu chuyện “từ số 1 trở thành số 10” ngay giữa mùa dịch COVID-19. Trong lúc cả nước Mỹ tiến hành “cách ly xã hội”, anh đã mở một màn trình diễn âm nhạc riêng tại nhà, phát sóng trực tuyến trên Instagram để “khuyến khích mọi người tự tiệc tùng tại nhà, không đi ra ngoài”. Là một DJ không quá nổi tiếng, anh chàng lúc đầu cũng chỉ livestream… cho vui, chỉ phát nhạc cho những khán giả của mình và bạn bè. Nhưng khi hàng loạt người nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ “ghé thăm”, buổi chơi nhạc của DJ trở thành sự kiện âm nhạc hot nhất nước Mỹ.

ONE World: Together At Home quy tụ rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Ảnh: WCBD

Chương trình One World: Together At Home diễn ra vào ngày 19–4 đã trở thành một sự kiện đi vào lịch sử của nền âm nhạc thế giới. Lần đầu tiên kể từ kỷ nguyên Internet bùng nổ, hơn 100 nghệ sĩ và đông đảo khách mời từ chính trị gia, doanh nhân, người truyền cảm hứng,… đến bệnh nhân, y bác sĩ, nhà khoa học và tình nguyện viên cùng có mặt để kêu gọi cả nhân loại chung sức đẩy lùi đại dịch thông qua âm nhạc và những cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa. Sự kiện này do nữ ca sĩ Lady Gaga khởi xướng, kết hợp với Tổ chức Y tế thế giới WHO và Global Citizen tổ chức nhằm mục đích gây quỹ. Buổi biểu diễn thu về 127,9 triệu USD, trong đó 55,1 triệu USD được trao tặng cho Tổ chức Y tế Thế giới; 72,8 triệu USD còn lại sẽ được chia đều toàn thế giới, hỗ trợ những y bác sĩ, chuyên viên và tình nguyện viên ở tuyến đầu.

Kiếm hàng triệu USD từ concert online

Tạo ra lợi nhuận từ các hoạt động biển diễn trực tuyến cũng là điều khiến nhiều nghệ sĩ quan tâm. Có rất nhiều nền tảng có chức năng này. Cụ thể như YouTube cho phép các nghệ sĩ phát trực tiếp các buổi biểu diễn và đăng tải các video khác, tạo ra thu nhập thông qua doanh thu quảng cáo. Lợi nhuận phụ thuộc rất nhiều vào số lượng quảng cáo và số lượng người xem — đối với các video dưới 10 phút, giá cả trung bình khoảng 2 USD cho mỗi 1.000 lượt xem.

Hiện tại, dịch vụ xem trực tuyến của Tencent hay YouTube đang triển khai cung cấp miễn phí phần lớn nội dung, tuy nhiên ban quản lý của các trang mạng này cho biết sau này, khi khán giả đã quen thuộc với hình thức livestream, việc tính phí sẽ được xem xét. Trong năm 2014, LeTV không chỉ tổ chức livestream cho concert của anh chàng nhạc sĩ kiêm ca sĩ Wang Feng mà còn bán vé để khán giả “xem trực tuyến” và thưởng thức các video hậu
trường trong 3 ngày liên tiếp. LeTV thu một khoản phí đóng 3–5 USD/tháng/thành viên, và với lượng người xem lên tới con số 48.000, LeTV thu về khoản lợi nhuận khủng lên tới hơn 320.000 USD.

Tại Nga, một nền tảng trực tuyến chuyên trình chiếu những buổi trình diễn online của các nghệ sĩ, có tên Stay ra đời. Khán giả muốn tham dự những concert đặc biệt này phải trả một khoản phí để có thể kết nối. Trước mắt, đã có nhóm nhạc Hadn Dadn, tiếp đó sẽ là nghệ sĩ Oligarkh, Masha Hima…, khán giả chỉ cần đóng tiền theo đúng thủ tục hướng dẫn, và vào xem concert của nghệ sĩ mình ưa thích.

Nghệ sĩ người Anh YungBlud là một trường hợp thành công lớn khi livestream concert tại nhà. Sau khi toàn bộ 5 đêm diễn tại Châu Á của anh phải tạm dừng vì COVID-19, anh đã tổ chức một concert online duy nhất có thu phí. Giá vé tham dự buổi livestream này chỉ bằng 1/2 so với giá vé trung bình trên thực tế, tuy nhiên đã có đến hơn 360 nghìn khán giả tham dự concert này, mang lại cho anh số tiền khoảng 16 triệu USD.

Thực ra, với khán giả những nước phát triển trên thế giới, việc trả một khoản phí để sở hữu một bài hát, một album hoặc sản phẩm âm nhạc đã không còn là một điều quá xa lạ. Và trong thời điểm dịch COVID-19, khán giả toàn thế giới dần dà làm quen thêm được với việc trả tiền để được nghe và xem nghệ sĩ mình yêu thích trình diễn trực tiếp.

Tương lai nào cho ngành giải trí?

Trình diễn nghệ thuật trên nền tảng trực tuyến đã xuất hiện từ lâu, nhưng đến nay, ứng dụng của hình thức này không thể xem là một sự thay thế đáng kể cho nền công nghiệp nhạc sống. Có thể nói, hình thức livestream phổ biến nhất vẫn là video quay lại màn trình diễn bởi một bộ phận khán giả, nhằm chia sẻ trải nghiệm cá nhân.

Để đạt được hiệu quả, một buổi livestream cần sự hỗ trợ rất lớn của công nghệ. Ảnh: Financial Times

Hiện nay, nhiều địa điểm tổ chức sự kiện âm nhạc cũng như nghệ sĩ đã quan tâm khán giả trực tuyến hơn. Một số tổ chức như Hội trường Wigmore và Công ty Royal Shakespeare thường sử dụng phát sóng trực tuyến như một công cụ nâng cao sức ảnh hưởng, mở rộng đối tượng tiếp nhận thông tin cho các hoạt động của mình. Mặt khác, các nghệ sĩ tự do như Steve Lawson, đã bao gồm cả việc livestream vào danh mục hoạt động trực tuyến. Ngoài ra, anh còn cung cấp các bài học guitar thông qua video và bán album trực tuyến.

Ngoài yếu tố công nghệ và tài chính, các buổi biểu diễn online gặp phải một vấn đề lớn nữa. Các nghệ sĩ vẫn có thể cung cấp trải nghiệm âm thanh và hình ảnh chất lượng cao nhưng điều khó có thể chắc chắn được là cảm xúc của người nghệ sĩ. Khán giả có vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự thành công của buổi biểu diễn. Đối với những nghệ sĩ, để có thể tạo ra và duy trì cảm xúc như khi đứng trên sân khấu thật, không phải là điều dễ dàng.

Thách thức này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khán giả. Với nhiều người hâm mộ, mức độ tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ, giữa khán giả với khán giả mới chính là chất xúc tác mạnh nhất cho một màn trình diễn ấn tượng.

Song, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thực tế ảo, những khúc mắc đó đang dần được hóa giải. Có thể kể đến lễ hội âm nhạc trực tuyến Lost Horizon diễn ra vào ngày 3–4/7. Đây được xem là một kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật và công nghệ. Lost Horizon là một lễ hội kết hợp giữa ảo và thực, có nghĩa là không gian sự kiện sẽ được thiết kế trên không gian ba chiều. Người tham dự lễ hội có thể truy cập sự kiện thông qua các ứng dụng di động.

Công nghệ thực tế ảo giúp khán giả tự do di chuyển, tương tác với những khán giả khác hoặc thay đổi chỗ ngồi như thật. Ảnh: Lost Horizon

Trước đó, nền tảng game trực tuyến cũng được tận dụng làm nơi tổ chức concert. Đơn cử là chuỗi sự kiện âm nhạc trực tuyến Astronomical của rapper Travis Scott diễn ra trên game Fortnite ngày 28/4. Tuy chỉ kéo dài chưa đến 10 phút, nhưng năm màn trình diễn này đã thu hút hơn 27,7 triệu lượt xem thuần (unique viewer) ở buổi diễn đầu tiên; và 45,8 triệu lượt xem suốt ba ngày diễn ra sự kiện. Astronomical giúp Travis Scott ra mắt đĩa đơn mới nhất “The Scotts” ở vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100.

Trên thực tế, những liveshow mà ca sĩ và khán giả có thể trực tiếp nhìn thấy nhau, hòa mình vào không khí của sân khấu thực tế vẫn là sự ưu tiên hàng đầu của cả hai phía. Tuy nhiên, để được sống trong những buổi biểu diễn như vậy thật không dễ dàng gì. Trong khi đó, các show diễn online đang tỏ ra có lợi thế hơn trong việc mở rộng khán giả và cung cấp món ăn đa dạng, phong phú cho người yêu âm nhạc, bất kể họ sống trong không gian thế nào, khả năng tài chính ra sao. Và đây vẫn sẽ trở thành một xu thế tất yếu của thời đại công nghệ, nhất là trong mùa dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống toàn cầu hiện nay.

Doanh số CD ở Mỹ giảm gần một nửa trong năm 2018, với tốc độ giảm mạnh hơn so với các năm trước. Trong khi đó, doanh thu bán các thiết bị phát sóng trực tiếp đã tiếp tục tăng 28% so với năm trước.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA), các dịch vụ âm nhạc có trả phí như Spotify, Amazon, Tidal, Apple Music và Sirius XM, Pandora đang phát triển vô cùng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp âm nhạc. Trong giai đoạn 2017–2018, lần đầu tiên kể từ năm 1999, doanh thu âm nhạc Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm liền. Tuy nhiên, việc các nhà sản xuất âm nhạc được lợi gì từ những dịch vụ đó vẫn là câu hỏi chưa có có hồi kết. Một phân tích của Citigroup vào tháng 8 năm 2018 cho thấy, thu nhập của các nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc chỉ chiếm 12% trong tổng số doanh thu 43 tỷ USD của ngành công nghiệp âm nhạc năm 2017, nhưng phần lớn lại từ lưu diễn.

--

--

Quỳnh Thơ

A detail-oriented and motivated Journalism Major packed with excellent writing skills and a deep love for broadcast journalism.